top of page
railway-2921488.jpg

Võ Thơi

     Trải qua hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới (từ Đại hội VI đến hết nhiệm kỳ Đại hội X) và 20 năm (1991-2010) thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã thu được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và một lần nữa chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

    Hiện nay, trong giai đoạn cách mạng mới, thế giới đã có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh, các nước lớn dùng mọi thủ đoạn tinh vi, thậm chí cả hành động quân sự dưới mọi chiêu bài để can thiệp, lấn lướt các quốc gia nhỏ, yếu thế và tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng. Những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh,... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ còn là vấn đề của mỗi quốc gia mà muốn giải quyết được phải có sự chung tay, góp sức của tất cả các nước trên thế giới. Song, chế độ chính trị, lợi ích của mỗi nước lại khác nhau, số nước do Đảng Cộng sản là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo không còn nhiều, trong khi sự chia sẻ trên tinh thần đoàn kết, hy sinh giúp đỡ của các nước có chế độ do Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo đối với nước ta cũng đã thay đổi nhiều. Tuy xu hướng hòa bình, hữu nghị vẫn là chính, nhưng việc tính toán để bảo vệ quyền lợi của mỗi quốc gia cũng thay đổi. Quốc gia nào cũng có toan tính riêng trong bối cảnh phức tạp hơn. Toàn cầu hóa, hội nhập và cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, làm cho thời gian như ngắn lại, không gian như nhỏ đi, thúc đẩy hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Quá trình cấu trúc lại nền kinh tế thế giới và nền kinh tế của mỗi quốc gia diễn ra mạnh mẽ theo chiều sâu, lấy chất lượng tăng trưởng làm mục tiêu. Trong khi đó, cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực, cả ở thị trường tại mỗi quốc gia và thị trường thế giới, giữa các nước ngày càng gay gắt. Đấu tranh giai cấp và dân tộc vẫn diễn biến phức tạp. Khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Đông - Nam Á là khu vực phát triển năng động nhưng vẫn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo càng nóng bỏng. Trong nước, tuy đã có thành tựu và kinh nghiệm của hơn 25 năm đổi mới, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, nhưng "nước ta vẫn phải đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta".

      Trong bối cảnh, thời cơ và thách thức đan xen như hiện nay, vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng càng cực kỳ quan trọng và luôn là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học... 

Muốn vậy, cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:

      Một là, Đảng ta cần tiếp tục nâng tầm trí tuệ và đổi mới tư duy để lãnh đạo toàn diện đất nước phù hợp với diễn biến nhanh chóng, mau lẹ của thực tế; phù hợp với đường lối đổi mới của cách mạng Việt Nam.

      Hai là, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Điều lệ Đảng đã quy định rõ, cấp ủy là cơ quan lãnh đạo của Đảng giữa hai kỳ đại hội.

      Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội một cách toàn diện trên các mặt phong cách, nội dung, phương pháp. Về phong cách lãnh đạo phải gần dân, nghe dân, học dân và trọng dân theo đúng tư tưởng "lấy dân làm gốc" và "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát"; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng các hành động thiết thực, cụ thể trong công việc, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, gia đình... 

    Bốn là, mở rộng dân chủ ngoài xã hội; thực hành dân chủ thật sự trong Đảng. 

     Năm là, tăng cường giữ gìn kỷ luật, tạo sự đoàn kết nhất trí của Đảng là sức mạnh vô địch của Đảng.  

      Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: kỷ luật của Đảng là "kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác", ai ai cũng phải phục tùng kỷ luật và chịu các hình thức kỷ luật (nếu có khuyết điểm, sai lầm). Về vấn đề thi hành kỷ luật, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng sâu sắc: Người đời ai cũng có khuyết điểm (chỉ có trẻ em mới sinh ra và người chết mới không có khuyết điểm), nhưng chúng ta không sợ sai lầm, khuyết điểm, chỉ sợ không chịu khó cố gắng sửa chữa và cũng chỉ sợ người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm. Mọi vi phạm kỷ luật đảng đều phải được xem xét, nếu đến mức phải thi hành kỷ luật thì xử lý thích đáng, không có "vùng cấm", không được che đậy, thiên lệch, nể nang. Thực tế vừa qua, việc chấp hành kỷ luật của một số tổ chức đảng và đảng viên chưa nghiêm túc; việc xử lý kỷ luật (khi có vi phạm) còn nể nang, nhẹ trên, nặng dưới, thiếu tác dụng giáo dục, ngăn ngừa và răn đe, chưa tạo được sự đồng thuận cao của xã hội,... Có trường hợp làm cán bộ, đảng viên phân tâm. Do vậy cần tăng cường giữ gìn kỷ luật sắt, tạo sự đoàn kết nhất trí của Đảng và sự đồng thuận của xã hội. Đây chính là sức mạnh vô địch của Đảng, "cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Nước nhà đổi mới: Opening Hours
bottom of page